Tượng đầu sư tử, vùng Bình Trị Thiên, thế kỷ 10
Tượng đầu sư tử, vùng Bình Trị Thiên, thế kỷ 10

 

Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (số 3 Lê Trực, TP.Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức khai mạc Khu trưng bày cổ vật Chàm sau 71 năm đóng cửa (từ sau khi vua Bảo Đại thoái vị, năm 1945).
Từ những thập niên đầu thế kỷ 20, Hội Đô Thành Hiếu Cổ đã sưu tầm và đưa về cất giữ ở Tân Thơ Viện rất nhiều cổ vật Chàm tìm được ở Huế và vùng phụ cận. Từ đó, Khu cổ vật Chàm được thành lập tại khuôn viên của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện nay để làm nơi trưng bày các tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Champa ở miền Trung Việt Nam.
Mở cửa khu trưng bày cổ vật Chàm tại Huế 1
Giới thiệu phòng trưng bày với khách tham quan
Năm 1928, Khu cổ vật Chàm chính thức mở cửa giới thiệu những cổ vật được sưu tầm tại kinh đô Huế và vùng phụ cận, tiếp đó được bổ sung thêm nhiều cổ vật được khai quật từ Trà Kiệu (Quảng Nam) vào các năm 1927 – 1928 và Tháp Mẫm (Bình Định) năm 1934. Các tác phẩm trưng bày có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14 – 15, thể hiện nền văn hóa Champa rực rỡ một thời.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh, Khu cổ vật Chàm đóng cửa không phục vụ khách tham quan. Cho đến những thập niên gần đây, do điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép nên bộ sưu tập này chỉ ưu tiên phục vụ một số nhà nghiên cứu chuyên sâu.
Tuy nhiên, Khu cổ vật Chàm luôn được bảo vệ, chăm sóc và gìn giữ như một bộ phận cấu thành của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, thể hiện vị trí đặc biệt của văn hóa Champa trong tiến trình hình thành và phát triển những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế.
Mở cửa khu trưng bày cổ vật Chàm tại Huế 2
Tượng Nam thần Bà la môn, tìm thấy ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế, niên đại từ thế kỷ 10 – 11
Mở cửa khu trưng bày cổ vật Chàm tại Huế 3
Tượng Kinnara, Tháp Mẫm, Bình Định, thế kỷ 12 – 13
Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, các hiện vật về Champa hiện nay còn lưu giữ tại Thừa Thiên-Huế đều ở dạng bi ký và các tác phẩm điêu khắc đá, còn các công trình kiến trúc và đền tháp thì hầu như đã bị phá hủy.
Về các tác phẩm cổ vật Chàm sưu tập được tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương đánh giá là rất phong phú và có giá trị cao về nghệ thuật cũng như về niên đại được sưu tầm, bổ sung từ thời Pháp và lưu giữ cho đến nay. Đặc biệt các tác phẩm này không chỉ được sưu tập từ vùng Bình – Trị – Thiên mà còn được bổ sung từ khu di tích Champa tại Trà Kiệu và Tháp Mẫm. Trong bộ sưu tập này, nổi bật là tượng đá Nam thần có thủ pháp diễn tả độc đáo và là tượng có kích cỡ lớn nhất mà những bảo tàng Champa khác không có.
Khu cổ vật Chàm được mở cửa trở lại sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho du khách, những nhà nghiên cứu cũng như những ai quan tâm đến lịch sử, văn hóa Champa.
Mở cửa khu trưng bày cổ vật Chàm tại Huế 4
Tượng Chim thần Garuda, Tháp Mẫm, Bình Định, thế kỷ 12 – 13
Tượng Vũ công, Trà Kiệu, Quảng Nam, thế kỷ 11 – 12

Tin, ảnh: Lê Công Doanh